Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh khi nào tốt nhất?

Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh

Tiêm vắc xin là cách phòng ngừa hữu hiệu nhất giúp trẻ có hệ miễn dịch tốt để đẩy lùi những tác nhân gây bệnh. Vậy tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh khi nào tốt nhất? Hãy tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Vì sao cần tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh?

Bệnh lao là một loại bệnh do vi khuẩn lao có tên là Mycobacterium Tuberculosis (MTB) gây ra. Loại vi khuẩn này có khả năng lây nhiễm trực tiếp qua không khí, qua giao tiếp và hệ hô hấp khi tiếp xúc với người bị bệnh lao.

Khi nhiễm vi khuẩn lao, người bệnh có thể bị các biến chứng về phổi và lây lan sang xương, hạch bạch huyết, hệ thần kinh, tim và các cơ quan khác. Do đó, để hạn chế các trường hợp mắc bệnh lao, các tổ chức y tế trên thế giới đã đưa ra chương trình tiêm vắc xin phòng lao áp dụng cho tất cả các trẻ ngay từ giai đoạn sơ sinh.

Hiện nay, vắc xin dự phòng lao BCG là một vắc xin sống giảm độc lực được sản xuất trực tiếp từ vi khuẩn lao Calmette Guerin. Trong vắc xin có chứa kháng nguyên BCG nên khi đưa vào cơ thể sẽ kích thích cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch (miễn dịch đặc hiệu chủ động) và từ đó sinh ra các kháng thể chống lại kháng nguyên.

Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh

Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh khi nào tốt nhất?

Lịch tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh

Tiêm vắc xin phòng lao cho trẻ sơ sinh sớm là một cách tốt nhất giúp trẻ phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này, đồng thời tránh những ảnh hưởng đến phổi và có thể gây tử vong. Ở Việt Nam đang sử dụng loại vắc xin phòng lao BCG và Bộ Y tế khuyến cáo tiêm cho trẻ trong vòng 1 tháng đến 1 năm sau sinh và cân nặng trên 2kg.

Để đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất, cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm phòng lao ngay trong tháng đầu tiên sau khi sinh (trước 28 ngày tuổi) và tốt nhất vào tuần thứ 2 hoặc 3 sau sinh. Tuy nhiên, với những trẻ sinh non, hoặc có vấn đề về sức khỏe cần được theo dõi, chăm sóc đặc biệt thì cần phải đợi đến khi trẻ có thể trạng tốt mới tiến hành tiêm phòng lao.

Việc chậm trễ tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao hơn những trẻ đã được tiêm. Thậm chí trẻ có thể bị nhiễm lao ngay những ngày đầu sau sinh do lúc này hệ thống miễn dịch của trẻ còn yếu.Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý rằng việc tiêm vắc xin phòng lao cho trẻ ở giai đoạn sau 1 năm tuổi chỉ có tác dụng phòng bệnh khi cơ thể trẻ chưa bị nhiễm khuẩn lao.

Các trường hợp hoãn tiêm và không được tiêm vắc xin phòng lao

Vắc xin phòng lao BCG được chỉ định tiêm cho tất cả trẻ sơ sinh chưa bị nhiễm lao, có sức khỏe tốt và không mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, trong một số trường hợp Bộ Y tế quy định hoãn tiêm hoặc chống chỉ định chủng phòng lao  như sau:

– Các trường hợp chống chỉ định tiêm phòng lao BCG bao gồm:

+ Không tiêm vắc xin phòng lao BCG cho trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm virus HIV không được điều trị dự phòng tốt lây truyền từ mẹ sang con.

+ Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin lao

– Các trường hợp cần hoãn tiêm chủng BCG phòng lao:

+ Trẻ đang mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính hoặc đang bị sốt.

+ Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid và globulin miễn dịch.

+ Trẻ có cân nặng dưới 2.000g và sẽ được tiêm chủng khi trẻ đủ 34 tuần tuổi (tính cả tuổi thai).

Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh

Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh khi nào tốt nhất?

Những phản ứng phụ sau tiêm vắc xin phòng lao BCG

Sau khi tiêm mũi lao cho trẻ sơ sinh, phần lớn trẻ đều có phản ứng tại chỗ tiêm như đau, sưng và nóng. Bên cạnh đó, một số trẻ có thể có bị sốt nhẹ, quấy khóc, bú kém và sẽ hết sau một vài ngày.

Ngoài ra, khi tiêm vắc xin BCG thường xuất hiện một nốt nhỏ ở vị trí tiêm và biến mất sau 30 phút. Sau khoảng 2 tuần sẽ xuất hiện một vết loét nhỏ có kích thước nhỏ, 2 tuần tiếp theo thì vết loét tự lành và để lại sẹo khoảng 5mm. Đây là phản ứng bình thường, chứng tỏ trẻ đã có miễn dịch.

Trong trường hợp trẻ có các phản ứng trầm trọng sau tiêm như sốt cao, bỏ bú… kéo dài 1-2 ngày; hoặc vết tiêm sưng to, hạch sưng to và kéo dài hơn 6 tuần thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám. Đặc biệt, đối với trường hợp trẻ sốt cao, da tím tái, co giật, liệt, hôn mê, khóc nhiều không dứt, mệt lả… thì cần phải đưa đi cấp cứu ngay.

Để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, phụ huynh cần thông báo cho cán bộ y tế biết tình trạng sức khỏe của trẻ và sau khi tiêm xong cần ở lại cơ sở tiêm 30 phút để theo dõi phản ứng sau tiêm. Khi về nhà, trong vòng 48 giờ sau tiêm, cha mẹ vẫn cần theo dõi những biểu hiện bất thường của trẻ để kịp thời xử lý.

Tổng hợp

Xem thêm:

Vì sao cần tiêm vacxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu?

Những điều cần biết khi trẻ sơ sinh tiêm phòng bị sốt

Rate this post